Sáng chế & Thương hiệu
   Kiểu dáng công nghiệp
   Chỉ dẫn địa lý
   Việt Nam . Lào . Campuchia
Tin tức

BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU LÀNG NGHỀ

I. Khái niệm Làng nghề

Làng nghề Việt Nam, làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống, hoặc làng nghề cổ truyền ..., thường được gọi ngắn gọn là làng nghề, là những làng mà tại đó hầu hết dân cư tập trung vào làm một nghề duy nhất nào đó; nghề của họ làm thường có tính chuyên sâu cao và mang lại nguồn thu nhập cho dân làng.

Theo điều tra của JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì số lượng làng nghề của Việt Nam gồm 2017 làng nghề có truyền thống trên 100 năm.

Chỉ tính riêng tỉnh Hà Tây cũ đã có tới 1.160 làng có nghề thủ công, trong đó 201 làng đã được tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề với nhiều nghề truyền thống có giá trị như: sơn mài, khảm trai, điêu khắc, thêu ren, tơ lụa, điêu khắc đá, gỗ, hàng song, mây, giang tre, nón lá, rèn, đúc, v.v. Ví dụ: Làng Lụa Vạn Phúc, Làng nghề rèn Ða Sĩ, tiện Nhị Khê, khảm trai Chuyên Mỹ và mây tre đan Phú Vinh.

II. Bảo hộ Thương hiệu Làng nghề ở Việt nam

Thương hiệu làng nghề có thể được coi là thương hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của làng nghề là chủ sở hữu thương hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của làng nghề đó.

Thương hiệu làng nghề về bản chất có thể đăng ký dưới dạng thương hiệu tập thể.

Quyền đăng ký thương hiệu tập thể

Quyền đối với thương hiệu tập thể tương tự như thương hiệu thông thường phát sinh trên cơ sở đăng ký.

Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký thương hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng thương hiệu tập thể; đối với thương hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt nam bao gồm tên địa lý, biểu tượng, bản đồ của vùng hay địa phương thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Người nộp đơn đăng ký thương hiệu tập thể phải là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp, ví dụ như Hợp tác xã, Hội nghề nghiệp.

Tài liệu cần để nộp đơn đăng ký thương hiệu tập thể

  •  Tờ khai đăng ký thương hiệu tập thể;
  • 10 mẫu thương hiệu với kích thước không nhỏ hơn 8mm x 8mm và không lớn hơn 80mm x 80mm;
  • Danh mục hàng hoá/dịch vụ mang thương hiệu;
  • Chứng từ nộp lệ phí;
  • Quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ của tổ chức xác nhận chức năng, thẩm quyền quản lý thương hiệu tập thể.
  • Giấy phép của chính quyền địa phương liên quan cho phép người nộp đơn đăng ký thương hiệu tập thể sử dụng dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý (tên địa lý, biểu tượng, bản đồ của vùng hay địa phương) nếu thương hiệu tập thể chứa các dấu hiệu đó.
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang thương hiệu nếu thương hiệu dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù.
  • Giấy uỷ quyền nếu đơn nộp thông qua đại diện.
  • Quy chế sử dụng thương hiệu tập thể trong đó phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
    1- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu thương hiệu;
    2- Các thông tin vắn tắt về thương hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu;
    3- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
    4- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng thương hiệu;
    5- Các điều kiện sử dụng và chấm dứt sử dụng thương hiệu;
    6- Nghĩa vụ của người sử dụng thương hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký thương hiệu, nộp phí quả lý thương hiệu...);
    7- Quyền của người đăng ký thương hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng thương hiệu, thu phí quản lý thương hiệu, đình chỉ quyền sử dụng thương hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng thương hiệu....);
    8- Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng thương hiệu và bảo đảm chất lượng uy tín của hàng hoá, dich vụ mang thương hiệu;
    9- Cơ chế giải quyết tranh chấp và biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng thương hiệu.


Nộp đơn xin đăng ký thương hiệu tập thể và quy trình xử lý đơn

Đơn được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ theo địa chỉ 384-386 Nguyễn Trãi, Hà nội.

Đơn được xét nghiệm về hình thức trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày nộp đơn. Nếu đáp ứng tiêu chuẩn về hình thức, đơn được chấp nhận hợp lệ. Trong vòng 2 tháng kể từ ngày chấp nhận hợp lệ, đơn được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

Kể từ ngày đơn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Đơn được xét nghiệm nội dung trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công bố đơn. Nếu thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ và lệ phí công bố đăng ký thương hiệu.

Nếu thương hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, và người nộp đơn trong thời hạn 2 tháng phải trả lời. Nếu người nộp đơn không trả lời hoặc trả lời không thích đáng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được Thông báo từ chối, người nộp đơn có thể khiếu nại với Cục Sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ phải ra thông báo thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại là 30-45 ngày kể từ ngày chấp nhận thụ lý đơn khiếu nại. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại nếu khiếu nại không được giải quyết, hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý, có thể khiếu nại tiếp theo với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện tại toà án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc toà án phải ra thông báo thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại là 45-60 ngày kể từ ngày chấp nhận thụ lý đơn khiếu nại. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại nếu khiếu nại không được giải quyết bởi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mà người khiếu nại không đồng ý, có thể khởi kiện tại toà án.

Quyền của chủ sở hữu thương hiệu làng nghề

  • Sử dụng, cho phép người khác sử dụng thương hiệu làng nghề (quyền sử dụng thương hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu thương hiệu tập thể đó).
  • Ngăn cấm người khác sử dụng thương hiệu làng nghề.
  • Định đoạt thương hiệu làng nghề (chuyển nhượng quyền sở hữu, từ bỏ và đình chỉ hiệu lực đăng ký thương hiệu). Chuyển nhượng quyền đối với thương hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu.
  • Các quyền được ghi nhận trong quy chế sử dụng thương hiệu tập thể (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng thương hiệu, thu phí quản lý thương hiệu, đình chỉ quyền sử dụng thương hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng thương hiệu; cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng thương hiệu và bảo đảm chất lượng uy tín của hàng hoá, dich vụ mang thương hiệu; giải quyết tranh chấp và xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng thương hiệu...)

Nghĩa vụ sử dụng thương hiệu làng nghề

Thương hiệu làng nghề phải được sử dụng liên tục, và trong trường hợp thương hiệu không được sử dụng từ năm năm trở lên thì đăng ký thương hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực.

 

Các tin khác:
•  BIỆN PHÁP THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM
•  BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU LÀNG NGHỀ
•  NHỮNG DẤU HIỆU KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG BẢO HỘ NHƯ NHÃN HIỆU Ở VIỆT NAM
Trang chủ Về trang trước Về đầu trang
© 2009 Vintell Patent & Trademark Company Limited. All Rights Reserved.